Tư duy lập luận trong SAT - Phần 1

In the pursuit of knowledge, the ability to think critically is both an art and a science.

Tư duy lập luận (reasoning) đóng vai trò cốt lõi của quá trình hiểu biết và ra quyết định. Những câu hỏi như: 'Làm thế nào chúng ta nhận biết sự thật?', hay 'Điều gì làm nên một lý lẽ thuyết phục?' không chỉ phản ánh chiều sâu của tư duy mà còn thể hiện sự phức tạp trong cách chúng ta tiếp cận vấn đề.

Ở cấp độ cơ bản, tư duy lập luận có thể được chia thành: deductive, inductive và abductive. 

Dừng khoảng chừng là 2 giây. Đọc tới đây có thể bạn sẽ bắt đầu thấy hơi lu lú và nghĩ rằng tư duy lập luận là một thứ gì đó cao siêu, khó nắm bắt.

Chỉ cần một bức tranh trông khá trừu tượng, một câu quote mơ hồ và một đoạn mở đầu như diễn văn hội nghị (được viết bằng chatGPT) là tác giả (có thể) đã cho bạn có cảm giác chuẩn bị đọc một bài phân tích khá hàn lâm và chuyên sâu.

Và đó chính là cách các bài đọc của SAT khiến bạn nghĩ như vậy! Bằng việc sử dụng những từ ngữ hàn lâm (big words) và đưa ra rất nhiều giả thuyết.

Nói đi cũng phải nói lại, thực ra các nghiên cứu thường phải đưa ra các giả định. Và bản chất của nghiên cứu là tìm tòi. Nên các bài khoa học thường ít khi khẳng định nhiều mà thường xuất hiện dưới dạng câu hỏi giả thuyết và lập luận, có thể đúng có thể sai. Việc của thí sinh không phải là ủng hộ/phản đối hay đưa ra quan điểm của mình, mà là hiểu được lập luận của bài đọc thông qua tư duy lập luận và trả lời câu hỏi.

I. Tư duy lập luận

Trước đây, trên threads của chúng mình có một câu hỏi tiếng Việt như sau:

"Mặc dù tụi tui đã bác bỏ giả thuyết rằng kế hoạch tán tỉnh nàng là ______, nàng vẫn tỏ thái độ hững hờ."

Lựa chọn nào hoàn thiện văn bản bằng từ hoặc cụm từ hợp lý và chính xác nhất?

A. hợp lí

B. vô hiệu

C. khó khăn

D. khả quan 

Bạn hãy thử bỏ ra vài phút và chọn cho mình một đáp án nhé!

Điều thú vị là, có nhiều câu trả lời chưa đúng, dù đây là một câu hỏi cho các bạn học sinh Việt. Để ý phân tích một chút, câu hỏi này đưa ra hai vế có ý nghĩa tương phản: mặc dù..., nhưng. Vế 2 đang mang sắc thái phủ định => vế 1 cần tương phản với vế 2 => vế 1 mang sắc thái khẳng định.

Phân tích vế 1: vế này có thêm từ "bác bỏ" hàm ý phủ định. Như vậy cả vế 1 cần phải sử dụng phủ định kép để trở thành khẳng định (vd: không phải là không thể = có thể). 


Từ đây, để kết hợp với chữ "bác bỏ" tạo thành phủ định kép, sắc thái ý nghĩa của từ cần điền cũng phải là phủ định. Nhìn lại 4 đáp án, chỉ có "vô hiệu" và "khó khăn" mang sắc thái phủ định. 

Phân tích hai lựa chọn này: "bác bỏ giả thuyết" kế hoạch khó khăn = kế hoạch khả thi chưa đúng trong ngữ cảnh của câu. Ngữ cảnh của câu đang nói tới một kế hoạch đã được thực hiện (vế 1) và dẫn tới một kết quả (vế 2). Như vậy, "vô hiệu" mới là đáp án hợp lí nhất.

Nói lại theo cách khác: "Mặc dù kế hoạch tán tỉnh có tác dụng, nhưng crush vẫn chưa đổ". Chắc là người bạn đó còn thiếu 1500+ SAT mới là điều kiện đủ chăng?! :)

Thực chất, câu hỏi này là một biến thể của một câu hỏi Words in Context đã từng xuất hiện trong kỳ thi SAT. Ta có thể thấy: cốt lõi của vấn đề không chỉ ở ngôn ngữ, mà ở tư duy khi phân tích câu hỏi. Cùng một dạng lõi suy luận, có thể áp dụng vào nhiều biến thể (khác ngôn ngữ, paraphrase). 

II. Một số yếu tố cản trở tư duy khi giải quyết câu hỏi

Các câu đòi hỏi bạn suy luận kĩ thì thường đều là các câu ở dạng "Hard". Tuy nhiên, dù là các câu khó của SAT thì cũng chỉ đòi hỏi thí sinh suy luận từ a⇒b, hiếm khi hoặc không có việc phải suy a⇒b⇒c. Tức là câu trả lời sẽ là hệ quả, suy luận hiển nhiên từ những gì đã phân tích. Nếu bạn chưa thấy sự hiển nhiên, khả năng là bạn chưa hiểu rõ bài đọc. Có một số yếu tố cản trở tư duy thường gặp:

  • Không biết từ vựng
  • Không có kỹ thuật tư duy mạch lạc
  • Không có kiến thức nền

Chúng mình khuyến khích bạn học từ vựng, ở mọi trình độ. Tùy vào trình độ của mỗi người mà lượng từ vựng cần nạp vào là ít hay nhiều. Có thể, một người thi tuyên bố rằng họ không cần học từ, nhưng hãy chú ý xuất phát điểm của người đó. Một thí sinh ở trình độ C2 reading (IELTS 9.) chắc chắn cần nạp ít từ vựng, nếu cần, hơn thí sinh đang ở mức B2 (6.0-6.5). ¹ Biết hoặc không biết một từ có thể ảnh hưởng tới suy luận. Tất nhiên, người đọc có thể phán đoán từ vựng dựa vào ngữ cảnh. Tuy vậy, việc biết được từ vựng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian phán đoán. Mà trong cuộc thi như DSAT, tiết kiệm được vài phút là sự khác biệt lớn.

Câu hỏi SAT không yêu cầu thí sinh có kiến thức nền về chủ đề trong văn bản. Tuy nhiên, thí sinh có kiến thức nền trước khi đọc có hiệu suất làm bài tốt hơn thí sinh không có kiến thức.² Thực tế, kiến thức nền (và từ vựng liên quan) hay gặp trong bài thi SAT (trầm tích, sông ngòi, loài người, ngôn ngữ, khảo cổ học, địa chất, động thực vật học, vv) có thể học được. Chúng mình khuyên bạn khi làm các bài luyện tập, hãy note lại các từ hay gặp và các kiến thức được mô tả. Những kiến thức và từ vựng này có thể lặp lại trong các bài khác.

Tư duy mạch lạc cũng là một yếu tố quan trọng. Việc tập phân tích ra giấy, hay đơn giản chỉ cần gạch chân các đoạn quan trọng sẽ giúp tư duy được mạch lạc hơn. Một số gợi ý giúp cho tư duy mạch lạc sẽ được nói tiếp ở Phần 2.

III. Tạm kết

SAT không yêu cầu thí sinh phải suy luận sâu xa. Trong một khoảng thời gian ngắn (dưới 3p cho một câu hỏi), thí sinh cần tập thói quen suy luận và phản xạ nhanh. Điều này có được khi đã luyện tập nhiều đúng phương pháp.

Việc học ĐH hay lên cao đòi cần đọc nhiều, và đọc có chọn lọc. Dù hiện tại đã có các công cụ giúp bạn tóm tắt, nhưng cuối cùng để tiếp nhận thông tin thì chúng ta vẫn phải đọc (hoặc nghe). Tư duy phân tích lập luận (reasoning) là linh hồn của tư duy phản biện (critical thinking). Nó có vai trò quan trọng không chỉ trong việc học mà trong cả đời sống. Nếu chúng ta tiếp nhận một thông tin, mà không có lưới lọc của tư duy phản biện thì rất dễ bị lung lay bởi các luận điệu. Một đoạn văn hết sức thuyết phục chưa chắc nó đã đúng về mặt suy luận, mà có thể tác giả rất giỏi sử dụng ngôn từ (hay thuật hùng biện, thậm chí ngụy biện) để thuyết phục người đọc. 

Khuôn khổ bài viết chỉ gói gọn trong việc học và thi SAT, và thí sinh cũng không cần phải phản biện những gì đã đọc (again, do not overthink). Tuy vậy, qua bài viết này, chúng mình hi vọng có thể gợi mở cho bạn một cách nhìn về việc lập luận và phản biện, không chỉ dừng lại ở kỳ thi SAT.

Nếu thấy thích chủ đề này, bạn có thể đọc thêm bài viết về thói ngụy biện.

Chúc các bạn mau tiến bộ và tự tin hơn khi thi SAT!

Cùng trong chùm bài viết hướng dẫn học SAT cho người mới:

---

Tham khảo

¹: https://ielts.org/organisations/ielts-for-organisations/compare-ielts/ielts-and-the-cefr

²: https://files.eric.ed.gov/fulltext/EJ1128860.pdf

Nhận xét

  1. bài viết hay quá ạ, em cảm ơn anh nhiều ạ

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2 by aanhlle

Gói quà của người nhật: Noshi, Mizuhiki và Shugi-bukuro

Hướng dẫn tự học SAT cho người mới bắt đầu - Update 2025