In memorial of Thay
Hôm nay Sư Ông làng Mai, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch.
Mình may mắn được nghe các bài giảng của Thầy trên Youtube, đọc các cuốn sách của Thầy. Thiền là một cách để tĩnh lại, lặng ngắm chính mình. Ta quán chiếu vào chính bản thân ta để biết được mình đang vui, buồn, khổ. Ta ý thức được ta, nhưng ta cũng không phải là chính ta. Thầy đã gieo những triết lý cơ bản ấy về thiền, về đạo Phật: sự vô minh, vô thường và lòng từ bi giữa người với người tới khắp nơi trên thế giới.
Trên facebook Hiền Trang, cô có chia sẻ một đoạn trích rất hay trong cuốn "Nẻo về của Ý" của Thầy. Đọc xong, bỗng dưng mình ao ước một ngày mình tỉnh dậy và được sống như thế.
“Buổi mai ở Phương Bối đẹp như một tờ giấy trắng tinh, nguyên vẹn, một tờ giấy trắng tinh có ửng màu hồng ở góc. Thực vậy, Nguyên Hưng, chúng ta thức dậy ở Phương Bối với ý thức là chúng ta có trước mặt một ngày trọn vẹn không bị ai xâm phạm. Không phải đi hội họp, không phải chờ xe buýt, không phải ngồi ở phòng đợi, không phải thao thức vì những cái rendez-vous. Một ngày trọn vẹn, có đủ sáng, trưa, chiều, tối, và đẹp như màu hồng của bình minh. Một ngày trọn vẹn mà ta muốn sử dụng như thế nào cũng được. Nguyên Hưng có thể hoặc làm cỏ ở đồi trà, hoặc dọn thêm khu rừng trước mặt, hoặc trồng thêm cây ăn trái, hoặc viết lách hay nghiên cứu. Chúng ta làm được thật nhiều việc, nhưng không bao giờ chúng ta chán việc, bởi vì tất cả những gì ta làm là đều do sở thích. Nếu ta không làm cỏ ở đồi chè chẳng hạn, thì anh Năm cũng chịu khó làm và thế nào đồi chè cũng sạch cỏ. Nếu ta không dọn thêm được khu rừng trước mặt hôm nay thì ta có thể làm vào một hôm khác. Chúng ta, tóm lại, muốn làm gì thì làm.”
Lắm khi, thật khó khăn để có thể muốn làm gì thì làm. Dám nghĩ có dám làm không? Không phải ý thức của mình ngăn trở mình 'dám làm', mình đã có tất cả những lý thuyết, hô hào để bắt tay vào làm, nhưng mình không làm. Có một nỗi sợ hãi hay điều gì trong tiềm thức, vô thức ngăn trở ta chăng? Liệu ta có biết được không nhỉ khi bản thân vô thức vốn là điều mà ta không biết. Vậy thì làm sao mà biết điều gì trong vô thức đang ngăn trở ta?! Có lẽ, thiền là một cách để ta minh triết, để ta nhìn thấy tâm vô thức. "Ta về với chính ta", như lời Thầy dạy.
Cũng trong đoạn khép lại "Nẻo về của Ý", Thầy có những minh giải đơn giản mà sâu sắc về đau khổ / sung sướng, hiền lành / độc ác:
Nguyên Hưng ơi, giữa cái tinh sạch và cái ô uế, giữa cái đau khổ và cái sung sướng, giữa cái hiền lành và cái độc ác, mình theo cái nào? Nghe hỏi mà buồn cười, phải không Nguyên Hưng? Theo cái tinh sạch, cái sung sướng, cái hiền lành thì mình phải đập tan và tiêu diệt cái ô uế, cái đau khổ và cái độc ác. Mà tiêu diệt chúng được chăng. Nếu “cái này có là nhờ cái kia có”, thì cái trong sạch cũng do cái ô uế mà có. Tiêu diệt cái ô uế tức là tiêu diệt luôn cái trong sạch, vì lẽ “cái này không thì cái kia không”. Kết luận là nên dung dưỡng cái ô uế, cái độc ác và cái đau khổ hay sao?”
Nhưng mà Nguyên Hưng ơi, tất cả những cặp đối nghịch đó chính đã là do chúng ta tạo nên bằng nhận thức của chúng ta, bằng lập trường sinh tâm lý của chúng ta. Hoan lạc và đau khổ trở nên những đại vấn đề. Nếu được như Quán Tự Tại soi thấu được chân tướng thực tại, thì những đau khổ tai nạn bốc khói bay mất.
Cuối cùng, con cảm ơn Thầy đã gieo cho con những hạt giống Bồ Đề tâm. Con thành tâm mong mỏi sẽ có một ngày con tìm thấy đường đi của chính mình, con không còn sợ hãi nữa.
“Because we have seen the path, we have nothing more to fear.” - Thích Nhất Hạnh
---
làng mai: https://langmai.org/
youtube: Làng Mai
Nhận xét
Đăng nhận xét