Tản mạn về việc học ngoại ngữ - Phần 2

Phần 2: Một vài lời khuyên khi tự học ngoại ngữ

  



 1. Flashcard học từ vựng

        Bạn nên dùng Anki hoặc Memrise. Không nên dùng flashcard giấy truyền thống hay Quizlet. 

        Anki/Memrise là hai phần mềm giúp bạn tạo flashcard, học mọi nơi trên cái điện thoại của bạn. Tiện lợi khỏi tay xách nách mang cái đống flashcard giấy. Quan trọng nhất là các phần mềm này sử dụng Spaced Repetition System (SRS). Nói nôm na thì cái hệ thống này giúp bạn sắp xếp thời gian xuất hiện của từ vựng theo độ khó nhớ của bạn. Người dùng có thể đánh giá mỗi lần một từ xuất hiện thì người học có nhớ được nghĩa của từ đó dễ dàng hay khó khăn. Ví dụ: từ A dễ ghi nhớ thì hệ thống sẽ sắp xếp thời gian xuất hiện của nó càng lâu, còn từ B bạn học mãi vẫn cứ không nhớ thì hệ thống sẽ sắp xếp cho bạn thường xuyên học lại từ đấy. Khác với kiểu truyền thống có bao nhiêu từ học bấy nhiêu không phân biệt từ nào nhớ nhanh, từ nào nhớ chậm.

        Nói đi cũng phải nói lại, Quizlet hay bạn in hẳn chục trang A4 ra một list từ để học sẽ hữu dụng khi bạn cần nhồi một đống từ vựng. Đơn giản là cứ đọc đi đọc lại. Mỗi hôm học một cục. Tuy nhiên, nếu muốn học kỹ quên lâu thì áp dụng phần mềm SRS như Anki sẽ hiệu quả hơn rất nhiều, và tốc độ học thực ra cũng khá nhanh. Túm lại, nên học từ vựng bằng phần mềm SRS flashcard như Anki.

  2. Nền tảng thông thạo ngoại ngữ chính là bằng cách đọc thật nhiều các bài đọc thú vị và vừa trình độ

        Tại sao không phải là nghe, nói, viết mà lại là đọc? Có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Nếu bạn nào quan tâm thì có thể đọc các bài viết của ông giáo sư Stephen Krashen về cách tiếp thu ngoại ngữ hoặc người sáng lập LingQ, Steve Kaufmann. Cơ bản là hai ông này cho rằng trình độ ngoại ngữ tỉ lệ thuận với việc đọc. Với quan điểm tự học của mềnh thì đơn giản dễ chiến nhất cho người tự học chính là vấn đề đọc hiểu. Nghe, nói viết còn cần người sửa, riêng việc đọc bạn chỉ cần có một bản dịch của bài đọc đó hoặc có từ điển là tự chiến được rồi. Nếu bắt đầu tự học, hãy bắt đầu bằng kỹ năng đọc hiểu.

         Bài đọc tốt = thú vị + vừa trình: phim (vừa nghe vừa đọc hiểu phụ đề), sách báo tạp chí, manga anime phốt phiếc scandal. Miễn là nội dung đó gây hứng thú cho bạn. Đừng chăm chăm đọc sách giáo khoa, làm mấy bài luyện tập nhàm chán. Nếu bạn học tiếng Nhật thì khả năng cao là bạn thích manga, anime, light novels thì ráng đọc nhiều vô. Tiếng Anh thì đọc mấy tờ lá cải như daily mail, the sun cực kỳ thú vị, hoặc đọc wikipedia tiếng Anh :). Nhưng cơ bản nhất phải vừa trình. Nếu bạn mới học thì nên đọc và làm mấy cuốn luyện thi để trình độ lên khoảng tầm trung bình, từ trình độ đó sẽ có thể đọc được rất nhiều. 

        Thành quả của việc này (thông thạo tiếng) chỉ phát huy khi bạn đã đọc rất rất nhiềuCái này theo kinh nghiệm của các tiền bối thi N2→N1 (tiếng Nhật) hoặc cá nhân mình thi đọc hiểu tiếng Anh là cực kỳ đúng. Thế nên hãy đọc từ bây giờ. Đọc cái gì cũng được (mình nghe có đứa bạn tự học tiếng Anh bằng cách đọc hướng dẫn sử thuốc vì nhà nó bán thuốc), bằng cái gì (điện thoại, ipad, laptop) lúc nào cũng được (đi wc, đi tàu điện, đi học mà chán học) miễn chúng là nguồn làm bạn thấy thú vị và vừa trình độ. 

2.1 Làm sao mà tìm ra nguồn đọc vừa thú vị lại còn vừa trình?     

         Đây là một việc khó bởi nó phụ thuộc vào trình độ của bạn. Nếu bạn là người mới học, thì sẽ có truyện trẻ em, grade reader chắc chắn phù hợp với trình độ của bạn. Bù lại thì nó sẽ ít thú vị. Việc của bạn là... bơi qua giai đoạn này bằng cách đọc thật nhiều.

        Khi trình của bạn tới giai đoạn trung trung (IETLS 5.0, 6.0 / JLPT N3-N2) sẽ có nhiều nguồn tư liệu cho bạn đọc hơn. 

        Đôi khi ta phải giảm bớt một trong hai yếu tố (thú vị, phù hợp trình độ) để tìm dễ hơn. Ví dụ cá nhân mình học tiếng Nhật chả phải thích anime, manga gì mà cơ bản thích nước Nhật và đạo diễn Ozu (:D). Bởi vậy thực ra tài liệu vừa trình thì kiếm được mà thú vị thì khó kiếm vì chả thấy cái gì quá thú vị. Rồi mình nghĩ ra là hay xem truyền hình Nhật coi có gì vui không thì tìm ra cái show tên là Terrace House. Thấy thú vị ghia mà hơi lệch trình (nhiều khi người ta nói chả hiểu) thế là quyết định dùng cái đó vừa nghe vừa đọc phụ đề. Đọc phụ đề xong hiểu xong rồi xem lại, thấy dễ hẳn. Như vậy thì khi phải thỏa hiệp một trong hai yếu tố thì mình khuyên bạn nên chọn cái gì bạn thấy thú vị, và không quá khó (khó thì vẫn ok miễn là có bản dịch, không có dịch thì dùng google translate).

        Bạn thích làm gì bằng tiếng mẹ đẻ? Thử tìm ra một vài hoạt động thích vãi chưởng và thay vì dùng tiếng mẹ đẻ thì dùng ngoại ngữ bạn học. Nhớ là bạn cần phải thấy thú vị. Hết hứng thì làm cái khác, đừng bỏ cuộc.

        Nếu không thấy thích gì thì: đọc tin tức/wikipedia, báo lá cải, xem hài, đọc scandal :) , xem phim, TV miễn là bằng ngoại ngữ bạn đang học (có dịch/phụ đề hoặc nội dung tương tự bằng tiếng mẹ đẻ càng tốt). Phù hợp với mọi đối tượng.

  3. Khi mới bắt đầu, học từ vựng và ngữ pháp thật nhanh để có thể bắt đầu đọc càng sớm càng tốt

        Bạn hãy tưởng tượng từ vựng là gạch, ngữ pháp là xi măng. Ngữ pháp và từ vựng kết nối lại sẽ xây nên bức tường câu chữ hoàn chỉnh. Việc học từ vựng và ngữ pháp sẽ theo bạn tới khi nào chán học ngoại ngữ thì thôi. 

        Học ngữ pháp/từ vựng cơ bản thật nhanh ở giai đoạn đầu sẽ giúp bạn có thể đọc được sớm. Mà bởi vì bạn chọn những cái thú vị, vừa trình độ như ở trên để đọc thì sẽ rất dễ vào đầu, từ đó lại làm cho việc học từ vựng và củng cố ngữ pháp của bạn dễ dàng hơn. Hãy luôn nhớ học từ nguồn mình thấy thú vị, chán thì đừng học bởi vì khi bạn chán sẽ có một rào cản rất lớn trong việc tiếp thu (cái này có nghiên cứu hẳn hoi, không phải mình chém gió đâu (:D).

        Học từ vựng sử dụng phần mềm SRS flashcard như trên. Mỗi ngôn ngữ sẽ có 1500 - 2000 từ thông dụng nhất, google có ngay. Ưu tiên cho hết chúng vào Anki để học nhé. Còn ngữ pháp? Đừng chăm chăm học hết đống lý thuyết ngữ pháp dài dòng. Hãy học như sau:

            Ngữ pháp tiếng Anh (để tự học): nắm vững chia động từ (số ít/ nhiều), 6 thì chính (hiện tại, tương lai, quá khứ) x (hoàn thành+tiếp diễn). Thế thôi, còn đống ngữ pháp dài dòng, chi tiết mà khả năng bạn chỉ gặp khi bạn đi thi đại học, thi học sinh giỏi :) thì gặp hãy tra. Bạn nên mua cuốn giải thích ngữ pháp sách giấy (mấy chỗ hiệu sách gần trường ĐH bán rất rẻ) về để tham khảo. Quan trọng nhất là nắm vững ngữ pháp cơ bản thật nhanh để còn áp dụng vào việc đọc hiểu. Bạn đừng tham đọc quá nhiều ngữ pháp và hiểu cặn kẽ làm chi, mệt đầu. Dành thời gian đọc và hiểu sẽ giúp bạn tiến bộ và thực tế hơn.

             Ngữ pháp tiếng Nhật: trước tiên bạn nên học theo giáo trình (Minna hoặc Genki). Cứ học theo giáo trình Minna cày hết 50 bài là nắm xong ngữ pháp cơ bản (mà 80-90% hội thoại, bài nói viết dùng). Thật may mắn tiếng Nhật rất nhiều cái coi là ngữ pháp có thể quy ra ý nghĩa như từ vựng. Sau khi học xong 50 bài mina nắm chắc ngữ pháp cơ bản thì từ ngữ pháp N3 trở đi, khuyên bạn nên đọc hiểu một lượt toàn bộ ngữ pháp của trình độ bạn thi. Rồi coi mỗi mẫu ngữ pháp là một từ vựng. Cái ngữ pháp nào có thể chia đặc biệt như cần đi với thể động từ V(ます) như Vmasu + すぎる thì nhớ thêm cách chia của nó, vậy thôi. Cơ bản nên coi một mẫu ngữ pháp là một từ vựng, sau đó áp dụng vào làm thật nhiều mấy bài luyện tập ngữ pháp. Áp dụng cách làm này mà mình đã đạt điểm A ở ngữ pháp N2. Cơ bản nhất là bạn phải đọc thật nhiều, đừng chờ hết 50 bài, tầm 40 bài Minna thì bạn đọc NHK easy news được rồi.

                Bonus: Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2

  4. Dùng từ điển in-line

        Từ điển inline là kiểu từ điển mà bạn click vào một từ bất kỳ, nó sẽ hiện ra nghĩa. Nếu bạn nào dùng Kindle sẽ thấy rất hữu ích cho việc học tiếng bởi nó có hỗ trợ từ điển in-line. Không biết từ nào thì click vào nghĩa của từ đó sẽ hiện lên. Còn nhớ hơn chục năm trước khi mình bắt đầu học tiếng Anh vừa đọc bài đọc vừa cầm cuốn từ điển giấy tra mỏi tay. Nghĩ lại vẫn hết hồn.

        Từ điển in-line tiếng Nhật cho Chrome mình dùng: Rikaikun

        Từ điển in-line, có thể dịch văn bản tiếng Anh: Google Translate

        bonus: bạn nào học tiếng Nhật có một phần mềm có thể tra từ tiếng Nhật qua hình ảnh, cực hữu dụng khi cày mấy file PDF tiếng Nhật: https://www.kanjitomo.net/

***

Nếu bạn nào chưa đọc Phần 1 thì có thể đọc tại đây.

Viết thêm những dòng cuối này trước ngày thi N1 (đá giao hữu là chính). Trời hanoi tháng 12 về đêm lạnh dã man nhưng trái tim người học/chém gió luôn cháy bỏng xD. 

<KẾT>

Khi là người học/tự học thì các bạn sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề và có muôn vàn câu hỏi thế nào. Người bạn đắc lực nhất của người học trong thời đại này chính là internet (google). Không biết cái gì thì lên mạng hỏi, sớt gu-gồ. Nếu các bạn có thắc mắc, băn khoăn bâng khuâng mà không tìm được lời giải trên google thì hãy hỏi phía dưới nhé. Mình sẽ trả lời nếu có thể. 

Cuối cùng, nếu có thể gói gọn lại bằng hai từ cho người học ngoại ngữ thì mình sẽ dùng từ "kiên trì". Bạn cần phải kiên trì và nỗ lực từng ngày! Kiên trì + phương pháp phù hợp = Thành công.

Chúc các bạn tìm ra con đường học ngoại ngữ cho bản thân mình và tiến bộ mỗi ngày! 


Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2 by aanhlle

Gói quà của người nhật: Noshi, Mizuhiki và Shugi-bukuro

Happy birthday, Ozu-san!