Tản mạn về việc học ngoại ngữ - Phần 1

    Đã từ lâu mình ấp ủ viết một hoặc hai bài về việc học tiếng. Thoạt đầu tính đặt là "Tôi đã học ngoại ngữ như thế nào?" nghe cho oách. Nhưng ngẫm lại thì nói về bản thân cũng chả có gì, trong khi mình cũng chả đạt được thành tích gì chói lọi. Nói thì ai tin (:D).

    Bẵng đi một thời gian bận bịu với bao việc và lười, cuối cùng thì cũng tìm ra chút thời gian để chém gió trên blog. Thế là quyết định ghi lại một vài suy ngẫm về quá trình học tiếng với tư cách là một người è lưng học ngoại ngữ ngót ngét cũng được hơn chục năm, và làm nghề tay trái là đi gõ đầu cả già cả trẻ cũng được vài năm.

    Mình sẽ viết theo dạng Q&A (question and answer) để các bạn dễ tiếp cận. Tuy nhiên cũng có thêm thắt tí mắm muối vô cho bài viết sinh động. Những lời khuyên là thật 99%, chỉ có bạn có chịu làm theo không thôi.


Cuốn sách ngoại ngữ đầu đời mình còn tìm được

Khoảng chục năm về trước, internet và các công cụ học tập như Flashcard bắt đầu phát triển. Tuy vậy thì thực tế là hồi đó mình vẫn dùng flashcard bằng giấy và cày cuốc thâu đêm để khá được ngoại ngữ. Vì vậy, nếu các bạn muốn tiến bộ thì cách duy nhất là è cổ ra mà học (:D). Tuy nhiên, học thế nào và học kiểu gì để tránh những khúc quanh co thì mình có thể gợi ý giúp các bạn sau những năm tháng trầy trật đi học thêm và tự học.

I. Làm thế nào để bắt đầu từ con số 0?

    Bạn có thể dành chút tiền, bố mẹ cho tiền? Cách đơn giản nhất là tìm một khóa học cơ bản cho người mới bắt đầu. Đừng atsm (ảo tưởng sức mạnh) rằng bạn có thể tự học hay học nhóm với đứa bạn cùng tiến (lùi) ngay từ lúc đầu. Với người mới bắt đầu đi học với thầy cô giáo sẽ giúp bạn tránh được các lỗi cơ bản mà sau này rất khó sửa. Việc tự học thực sự sẽ bắt đầu khi bạn nắm được cơ bản. Tất nhiên có nhiều người có thể tự bắt đầu học, nhưng mình khuyên các bạn sinh viên nếu dành được chút tiền (đi gia sư, đi xin bố mẹ) thì nên đầu tư cho việc học.

    Bạn thực sự không có chút tiền nào? Nếu tự bạn thấy bạn là người có ý chí, quyết tâm thì việc tự học dù từ con số 0 hẳn chỉ làm bạn trầy trật chứ không thể làm bạn nản. Nhưng tiếc đa số chúng ta (kể cả mình) vẫn mắc bệnh lười kinh niên. Như vậy thì mình nghĩ là sau khi cân nhắc một số ý dưới đây nếu bạn cảm thấy mình có thể le lói ngọn lửa tự học (hoặc ý chí kiếm tiền mà đi học) thì bạn nên học ngoại ngữ. 

    1. Mình muốn đổi đời; ăn sung mặc sướng, già ăn chơi → phải học

    2. Không đạt được điểm X Y Z thì không qua môn, khỏi lấy bằng ĐH → phải học

    3. Có rất nhiều kiến thức không có sẵn bằng tiếng Việt. Bạn muốn nhiều cơ hội nghề nghiệp, bạn muốn học hỏi tri thức từ anh Google search? → phải học tiếng

    Nếu có thấy le lói chút quyết tâm, thì bạn nên bắt đầu ngay thôi. Hãy đọc QA tiếp theo.

tái bút: Trường hợp không có ý chí, cũng không có tiền đi học thì rất tiếc là mình bó tay. Tốt nhất là nên bỏ đừng học (36 kế chuồn là thượng sách) hoặc nếu vẫn muốn biết tiếng thì lân la chỗ mấy phố đi bộ, tìm mấy anh Tây làm quen, chém gió nhiều cũng là một hướng đi (:D)

II. Hiểu về việc học

    Việc tự học chỉ dành cho những bạn xác định được: không học là "chết". Quan trọng nhất là cần có một ý chí cháy bỏng khi tự học. Người tự học/người học thường xuyên phải đối diện với sự trồi lên sụt xuống của cái "ý chí cháy bỏng" như hình dưới:


Biểu đồ tinh thần của người tự học

    Giai đoạn 1: Mới bắt đầu → Biết chút chút: Khi mới bắt đầu, ai cũng sẽ rất hào hứng. Bạn thấy dễ, ý chí đang rất cháy.
    Giai đoạn 2: Biết chút chút → Biết nhiều hơn: Càng học, càng thấy nhiều cái để học quá trời. Toàn cái chả biết, từ mới thì lắm, ngữ pháp phải biết thì nhiều. Phát âm thì khó. Nói chung càng học càng nản. Ý chí thiu dần.
    Giai đoạn 3: Leo dốc. Đây là giai đoạn quyết định xem bạn có thể tiếp tục tự học được hay không. Leo khỏi cái vũng lầy tuyệt vọng của việc phải biết thật nhiều, học cái gì, phương pháp thế nào và dũng cảm tiến lên. Ý chí lại bùng lên.
    Giai đoạn 4: Bạn đã có con đường tự học rõ, học thế nào không phải vấn đề lớn. Quan trọng nhất ở giai đoạn này chính là kiên trì rèn luyện thói quen tự học tới khi đạt được mục tiêu.

Hầu hết chúng ta vướng mắc ở giai đoạn 2 và 3. Và cũng cần chú ý là hai giai đoạn này có thể lặp đi lặp lại như đồ thị hình sin cho tới khi chúng ta xác định được mục tiêu và con đường của việc học.

2.1 Chân lý tự học:

    a. Không phải tinh thần, ý chí, động lực giúp bạn tự học lâu dài được. Mà là do hình thành thói quen học. Ý chí, động lực có thể rời bỏ ta mỗi khi ta tụt mood, nhưng nếu hình thành thói quen thì, dù trầy trật, bạn sẽ tự học lâu dài được.

    Ví dụ, hồi trước ôn thi N2 cứ đúng 8h30 9h tối mình sẽ ngồi vô bàn làm một cái đề N2 ngắn của mấy a Tàu. Hoặc mình đang học kanji theo hệ thống flashcard SRS thì cứ mỗi ngày mình đều mở ra mà học (mình sẽ nói thêm về srs flashcard ở phần 2). 

    Bỏ qua quyết tâm, động lực gì to tát mà mau hết đi, hãy hình thành cho mình thói quen. Mình ngồi cày đống bài luyện tập tiếng Nhật cũng ý xì vậy. Chán, khoai, nhưng tập thói quen mỗi ngày làm một vài bài thì dần dần làm hết được. Mình không khuyến khích lắm việc học nhóm vì thực tế cho thấy là hơi nhiều đôi bạn cùng lùi. 

edit: ngẫm lại thì thực ra việc học nhóm khá là hay nếu các bạn tìm ra người cùng chí hướng (tiến lên). Vậy thì mình có một server Discord tiếng Nhật dành cho bạn có ý chí cùng tiến lên tại đây: https://discord.gg/WJZp8GF

    b. Thói quen + phương pháp đúng > Ý chí bình bình. Như các bạn thấy ở biểu đồ trên, ý chí và quyết tâm giống như cảm xúc trồi sụt liên tục trong các giai đoạn. Hình thành thói quen học và có một phương pháp tốt khi tự học sẽ tốt hơn là dựa vào ý chí, động lực của bạn. Ý chí và động lực có tác dụng nhất khi bạn sắp bỏ cuộc, khi cảm thấy áp lực lớn, đứng dưới "vũng lầy tuyệt vọng" ở giai đoạn 3 kể phía trên. Nó sẽ giúp bạn ngậm đắng nuốt cay mà leo dốc. Còn cơ bản, nếu muốn tự học lâu dài, hãy hình thành thói quen.

    c. Hãy đặt ra một mục tiêu cụ thể trong 3 tháng, 6 tháng. Đạt được rồi tính. Đừng tham đặt ra mục tiêu dài hạn làm gì vì dễ cháy lắm (:D) 

    Ví dụ, trong 3 tháng phải cày xong cuốn đọc hiểu ABC, cuốn IELTS XYZ. 

    d. Giữa rừng tài liệu, sách tham khảo đâu là cái tốt nhất? Theo mềnh bạn cứ tìm gõ google từ khóa tài liệu học tiếng A B C tốt nhất là có một list cho bạn học. Bạn cứ chọn cái đầu danh sách mà học theo, đừng nghĩ nhiều làm gì. Đừng ham đọc mấy cái tips, tổng hợp,... nhan nhản trên mạng, facebook. Hãy chú tâm mà học theo tài liệu bạn đã chọn.

Phần 2: Một vài lời khuyên khi tự học

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2 by aanhlle

Gói quà của người nhật: Noshi, Mizuhiki và Shugi-bukuro

Happy birthday, Ozu-san!