Vị đắng tình yêu - 1990

Bài cảm nhận phim mình viết từ 5 năm trước. Thời ngây ngô, và đáng yêu. Mình cũng không nhớ là tặng bài viết này cho bạn nữ nào nữa.



Những điều sau đây có thể cho bạn biết trước nội dung. Xin hãy xem phim trước :D !
Bản để xem trên mạng:

http://www.youtube.com/watch?v=pmCADnEPk5s

Xin tặng bài viết này cho một bạn nào đó (là nữ).

Các nhân vật trong phim:

Nhân vật chính là chàng Quang ''đông ki sốt". Cái tên đã đủ nói lên rất nhiều thứ. Trước khi xem phim mình tưởng Quang cũng "hào hoa" như nhân vật Đôn Ki Hô Tê, nhưng ở chàng trai có rất nhiều thứ (trừ tiền): anh là một sinh viên nghèo học giỏi, rất nghĩa khí, đặc biệt là rất... ngô ngố trong tình yêu, chắc thế nên có cái biệt danh Quang ''đông ki sốt" bất hủ.

Có một điều mình cảm nhận được ở nhân vật Quang "đông ki sốt" là vẻ đẹp của người bác sĩ tương lai chân chính. Khi biết Phương có một mảnh đạn trong đầu và sẽ phải đối mặt với cái chết, mọi người đều ngăn Phương không được chơi đàn, thứ mà nàng yêu thích nhất. Chàng bác sĩ tương lai thì ngược lại, anh vẫn khơi gợi niềm đam mê của cô ấy và, khi Phương gần như tuyệt vọng, Quang đã giúp cô lấy lại niềm tin. Y học lúc ấy không cứu được bệnh của Phương. Phương "đã chết kể từ khi mẹ ngăn cấm cô không được chơi đàn" (lời của Quang). Nhưng, Quang đã cứu được tâm hồn của Phương bằng một lời nói dối. Đối với người nghệ sĩ, tâm hồn là sự sống, điều này có lẽ cũng đúng với Phương. Quang đã hoàn thành được sứ mệnh của người bác sĩ chân chính: gieo sự sống cho người bệnh bằng chính tình yêu chân thành và cũng bằng chính y đức của người bác sĩ.

Anh chàng “đông ki sốt” với cái biệt danh làm cho ta liên tưởng đến chàng hiệp sĩ viển vông, mơ mộng, nhưng hình như anh chàng là người tỉnh táo nhất trong phim qua những lời thoại với thầy giáo, với mẹ Phương và với Phương.

Nhân vật thứ hai là Phương, sinh viên nhạc viện. Phương sống trong một gia đình khá giả. Phương là một người thiếu nữ xinh đẹp, trong sáng và rất đam mê âm nhạc. Phương có một mảnh đạn ở trong đầu, chính mảnh đạn nhỏ nhỏ con con ấy đã tạo bao sóng gió trong bộ phim.

Câu chuyện tình yêu của anh chàng sinh viên nghèo và cô gái nhà giàu quả là hơi quen quen, giống chuyện cổ tích, và tất nhiên câu chuyện cổ tích nào cũng có thế lực “hắc ám”. Tình yêu của họ bị ngăn cấm bởi thế lực “hắc ám” (tất nhiên rồi) là mẹ Phương và bị chia lìa bởi tên mà Phương sau này sẽ cưới làm chồng.

Hai nhân vật mẹ Phương và thầy giáo dạy nhạc - chồng tương lai - của Phương:

Mẹ Phương rất yêu Phương, nhưng bà bị tình yêu dành con làm mù quáng (rất đúng với lời của Quang “đông ki sốt” khi nói với thầy giáo: "Thưa thầy, lòng nhân đạo nhiều khi được đặt không đúng chỗ cũng có sức công phá như một mảnh đạn").

Chồng tương lai của Phương là người ích kỉ, và cũng không phải kẻ si tình. Tình yêu đúng là dễ làm cho con người trở nên ích kỉ (mình cũng chưa yêu “nhiều” nhưng đọc tâm sự trên mục “đời sống” của báo vnexpress thì cũng thấy đúng).

Theo mình thì mẹ Phương và chồng tương lai của Phương thực ra cũng chỉ là những con người rất bình thường trong xã hội. Có rất nhiều người như vậy. Anh chồng tương lai của Phương dù bị lòng ích kỉ làm cho mờ mắt nhưng ít nhất vẫn còn biết xấu hổ, một biểu hiện của người vẫn còn có đạo đức.

Hai nhân vật cuối mà mình muốn nói tới là vị giáo sư của Quang và người trông vườn hoa công viên.
Vị giáo sư của Quang cũng là một người bác sĩ chân chính. Đạo diễn Lê Cung Bắc vào vai người bác sĩ già hợp thật. Nhân vật còn lại là nhân vật rất ... phụ, nhưng vì ông vừa qua đời ít lâu nên mình muốn nói thêm. Người thủ vai nhân vật này là NSƯT Hồ Kiểng - kỉ lục gia của Việt Nam! (Xem đến đoạn có ông mình bỗng có một suy diễn: Khi đuổi anh chàng “đông ki sốt” trong mưa, ông có thể cầm thêm cái ô, áo mưa, vv để che cho đỡ ướt, không cần phải tay không lao ra như vậy...) Đến lúc ông qua đời mình mới biết về ông, thật đáng tiếc. Ông có rất nhiều vai diễn, nhiều đến nỗi đạt kỉ lục của Việt Nam (có chứng nhận hẳn hoi), mà đặc biệt là ... toàn vai phụ. Lòng yêu nghệ thuật của ông thật đáng khâm phục và kính trọng !

Về truyện phim và xung quanh phim:

Lúc bắt đầu mình cũng hơi hơi đoán được diễn biến phim (mình cũng khiêm tốn mà). Bây giờ, câu chuyện có vẻ hơi quen thuộc, nhưng hơn hai chục năm về trước, phim tình cảm như vậy ở Việt Nam có lẽ là vô cùng hiếm. Mà kể cả chúng ta có thể đoán được một phần của cốt truyện, thì cảm xúc mà bộ phim mang lại mới là thứ để ta thổn thức. Dù chất lượng âm thanh hình ảnh làm ta không được mãn nhãn, nhưng cảm xúc của ta lại được no đầy, điều đó mình nghĩ rất quan trọng! Nếu quay về hơn hai chục năm trước, mắc lắm mình cũng phải hăm hở ra rạp xem.

Có hai đoạn mà mình rất thích (tình cảm lãng mạn): đoạn anh chàng lao vào biệt thự tặng nàng chùm hoa hái trộm trong công viên giữa cơn mưa rào (tình cảm Hàn Quốc) với câu thoại bất hủ*, và đoạn hai người ở quê ngoại của Phương (tình cảm Việt Nam). Ở đoạn thứ hai, chất “đông ki sốt” trong người chàng đã được tuyệt đối hóa: chàng bị người yêu lấy đá đập vào tay nhưng vẫn hỏi nàng: “Phương có đau không ?”.

Một cái đẹp khác, ngoài tình yêu đẹp của Quang, là cái đẹp của thời sinh viên. Một người anh họ của mình đã từng nói (anh ơi anh đọc được bấm ‘like’ nhé): “sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất”. Anh chàng sinh viên nghèo ở cùng với mấy chàng sinh viên cũng ... nghèo. Thời sinh viên rồ dại, hoang đường, ngổ ngáo (chữ của Cửu Bả Đao, đạo diễn phim “quả táo”) được đưa lên phim một cách rất thật (tác giả bài viết suýt bật khỏi ghế khi bốn chữ “tụng kinh gõ mõ” thân thương của đời học sinh được “hình ảnh hóa” một cách “bá đạo” trên phim. Có lẽ đạo diễn cũng từng có một thời “bá đạo” như thế. Mà ai chả thế :D ). Nhưng, ngoài sự hoang đường, rồ dại, ngổ ngáo, họ rất yêu thương nhau, giúp đỡ nhau, và trong mỗi người còn có lòng tự trọng của người sinh viên nghèo.

Về cái kết phim, mình thấy hơi hẫng khi phim kết thúc. Có lẽ đó là một kết thúc dang dở để số phận mỗi nhân vật lại tiếp diễn. Liệu Phương có được cứu sống ? Phương sống lại và biết Quang vẫn còn đó thì sẽ ra sao ? ...

Cuối cùng, bộ phim có bốn cái đẹp. Một thời sinh viên quá đẹp. Tình yêu của Quang “đông ki sốt” quá đẹp, trải qua thử thách lại càng đẹp. Nhân vật Phương cũng quá đẹp (nghĩa đen). Tình yêu giữa hai người lại càng đẹp. Dù hai người không đến được với nhau, nhưng các cụ đã bẩu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, ngẫm ra thì thật là thâm thúy!

Đạo diễn Lê Xuân Hoàng và diễn viên Lê Công Tuấn Anh (vai chàng Quang “đông ki sốt”) trong phim mất sau đó ít lâu, nhưng thời gian đã chứng minh những dư âm của phim còn sống mãi qua nhiều thế hệ ! Mình biết tới phim nhờ mấy diễn đàn trên mạng, biết cũng khá lâu mà giờ mới xem.

Kết lại bài cảm nhận phim đầu tiên ( cũng vì cái tật rảnh rỗi sinh nông nỗi mà viết ra ), xin cóp lại nguyên văn bài thơ trong phim tặng các bạn kèm lời tựa (của mình :D ):

"Anh nhìn em qua kính hiển vi
Phút gặp nhau chẳng nói được gì
Trán toát mồ hôi, chân lập cập
Đến chỗ hẹn hò như đến phòng thi
Anh đã vì em mượn đôi giày
Và một sơ mi xanh khói mây
Chỉ có trái tim là không mượn
Bởi có mình anh biết đắm say
Anh chẳng sợ đâu chẳng ngại đâu
Trộm hoa cho có phải leo rào
Tặng hoa cho dù anh té ngã
Nếu có bể đầu... anh tự khâu”.

Tình yêu vừa đắng, vừa chát, nhưng cũng vừa ngọt ngào, đượm mùi người yêu.

Thông tin thêm về phim trên wiki:

Vị đắng tình yêu là một bộ phim nói về tình yêu của Việt Nam. Đây là một trong những bộ phim đạt doanh thu cao nhất thập niên 1990 ở Việt Nam (khoảng 500 triệu). Cho đến nay Vị đắng tình yêu vẫn được xem là một trong những bộ phim về đề tài sinh viên dễ thương nhất, hay nhất và chân thật nhất.

Diễn viên Thủy Tiên (vai Phương): "Cảnh quay để lại nhiều dư âm nhất là Quang Đông-ki-sốt chạy ra vườn bứt hoa tặng Phương gặp lúc trời mưa. Lúc đó ngoài trời không có mưa và đoàn làm phim phải thuê vòi rồng để làm mưa nhân tạo. Buổi tối đó trời không mưa nhưng rất lạnh, do phải quay đi quay lại nhiều lần, không thể lau người cho khô được nên Lê Công Tuấn Anh phải đứng chịu trận, đến nỗi người cứ run lập cập. Thực sự cảnh đó khiến tôi rất xúc động. Đó là một trong những cảnh hay nhất của phim, nó lãng mạn, chân thật và đi sâu vào lòng người.”


*Lời thoại bất hủ của Quang “đông ki sốt” khi tặng hoa cho Phương trong đêm mưa: "Tôi là khách qua đường, em hãy nhận lấy".

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2 by aanhlle

Gói quà của người nhật: Noshi, Mizuhiki và Shugi-bukuro

Happy birthday, Ozu-san!