Pietà - Kim Ki-Duk

Đây là bài phân tích phim của mình cho môn học cùng tên ở trường điện ảnh. Mình đăng lại trên blog. Bài được viết vào năm 2013                             


Phân tích Phim
 Pietà - KIM KI-DUK


1. Phim được giải gì ? Vì sao được giải?
Các giải thưởng chính mà phim đạt được:
  •     Giải Sư tử Vàng LHP Venice lần thứ 69.
  •     Giải nữ diễn viên chính xuất sắc và giải thưởng của BGK LHP Quốc gia Hàn Quốc.
  •     Giải thưởng của Hiệp hội phê bình phim Hàn Quốc.

           Để trả lời cho câu hỏi vì sao phim được giải em xin dẫn lại lời của đạo diễn Michael Mann, chủ tịch LHP Venice lần thứ 69: Bộ phim (pieta) nổi bật bởi vì nó “dẫn dắt chúng ta một cách bản năng.” Đó cũng là lí do bộ phim được giải cao nhất. Cá nhân em cảm thấy tuy rằng bề ngoài bộ phim có thể gây sốc cho nhiều người xem, nhưng đến cuối cùng Pieta là một hành trình khám phá tâm lý con người đầy cảm động của Kim Ki-duk.

2. Tại sao bà mẹ lại ăn thịt Kangdo ?
Thứ nhất là bởi yêu cầu của Kangdo. Kangdo yêu cầu Misun chứng minh bà là mẹ cậu bằng cách ăn mẩu thịt này. Thứ hai, về cuối phim chúng ta biết rằng Misun không phải là mẹ ruột của Kangdo mà chỉ tiếp cận Kangdo với mục đích trả thù cho đứa con ruột của mình. Misun ăn thịt Kangdo ở đầu cũng cho thấy sự căm hận Kangdo và mong muốn trả thù của bà.



3. Tại sao bà mẹ lại thả con thỏ? Vì sao con thỏ chết? Dự cảm gì cho phim khi con thỏ chết?
Bà mẹ thả con thỏ vì bà muốn nó được tự do, được thoát khỏi Kangdo, một kẻ xấu xa. Thỏ thường được quan niệm với cái đẹp, cái trong sáng.
Trong văn hóa phương Tây và đặc biệt là Thiên chúa giáo thì thỏ là loài mang quả trứng Phục Sinh, đại diện cho tình yêu và sự hồi sinh. Kim Ki-duk chịu ảnh hướng lớn bởi Thiên Chúa giáo. Trong phim, con thỏ chết vì bị cán bởi một cái ô tô. Hình ảnh con thỏ bị xe ô tô cán chết cũng là sự báo hiệu cho cái chết về cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Về nghĩa đen, ở cảnh kết phim, Kangdo tự sát bằng cách buộc mình vào gầm xe ô tô của Myeong-ja và để nó kéo đi trên đường. Về nghĩa bóng, cái chết của Kangdo là sự phục sinh của một tâm hồn. Ban đầu Kangdo là một kẻ tàn nhẫn. Đến cuối cùng khi Kangdo biết yêu thương (và bởi vậy biết đau khổ) thì cũng là lúc Kangdo phát hiện ra sự thật tàn nhẫn. Cái chết của Kangdo không chỉ để chuộc lỗi mà còn để giải thoát một tâm hồn đã không thể chữa lành. Từ cái chết ấy thì một nhân cách được hồi sinh.
Ngoài ra con thỏ  ban đầu được nuôi bởi bà mẹ của một nạn nhân của Kangdo. Bà mẹ có vẻ hiền từ cam chịu nhưng đến cuối phim sẵn sàng giết chết Misun để trả thù cho con trai. Con thỏ Phục sinh còn là người phán xét. Con người luôn có thể hiền từ hay tàn ác.

4. Phân tích hình ảnh Kangdo mặc chiếc áo len đỏ nằm cạnh bà mẹ và người con thật:
Kangdo muốn Misun trở thành người mẹ thực sự của mình nên đã lấy cái áo len đó từ xác người con trai của Misun và mặc vào. Misun nói bà đan cái áo len đó để tặng Kangdo trong ngày sinh nhật. Hình ảnh ba người nằm trên mặt đất gợi liên tưởng đến sự cứu rỗi trong Thiên Chúa giáo. Đến lúc này tâm hồn của Kangdo đã được Misun cứu rỗi. Cái áo len màu đỏ mà Kangdo mặc gợi lên sự ấm áp, tình thương. Điều này gợi liên tưởng tới cái váy màu đỏ mà Misun luôn mặc. Cái váy màu đỏ ở đầu và giữa phim là khao khát (trả thù), là sự nguy hiểm và là máu. Đến cuối phim màu đỏ trở thành tình yêu thương và sự cứu rỗi mà Misun truyền cho Kangdo (lúc Misun chết bà vẫn mặc cái váy đỏ).
Ngoài ra trong tác phẩm điêu khắc Pieta của Michenlango, đức mẹ Maria được miêu tả nhưng một người thiếu nữ thuần khiết và thánh thiện. Trong Pieta của Kim Ki-duk, hình ảnh bà mẹ Misun ở cảnh này cũng hiện lên như vậy.

Để kết lại bài phân tích, em xin trích dẫn lời nói của Kim Ki-duk về bộ phim của mình:

“Khi tôi làm Pietà, tôi nghĩ rằng tất cả những ai sống trong thế giới hiện đại này đều là những người cần phải chờ đợi lòng khoan dung của Chúa. Thế giới hiện đại hoàn toàn hỗn loạn vì các mối quan hệ của con người đã trở nên rối tung vì tiền bạc. Ở quy mô lớn, có những cuộc chiến tranh, và ở quy mô nhỏ chúng ta có những cuộc xung đột lẻ tẻ về tiền bạc và quyền lực. Tất cả những tình huống đó đều xảy ra vì tiền. Nhưng Pietà không chỉ nói về các vấn đề thời  sự. Nó còn nói về gia đình và thù hận, về tiền bạc và các mối quan hệ. Khía cạnh quan trọng nhất của Pietà là khi mọi người được kết nối với nhau như một mạng nhện trong xã hội hiện đại, thì tất cả chúng ta đều là những kẻ đồng lõa trong chuyện này. Đó là một dấu hiệu cảnh báo, một sự tự miêu tả về bản thân chúng ta khi chúng ta càng ngày càng lún sâu vào một xã hội thiên về tiền bạc, hết sức xem trọng lợi nhuận. Chúng ta đang trở nên tàn ác hơn và niềm tin giữa mọi người với nhau đang biến mất nhanh chóng. Điều này khiến Pietà nghe có vẻ là một câu chuyện rất phức tạp nhưng tôi chỉ muốn đặt vào bộ phim vào ý tưởng “Lạy Chúa, xin người hãy khoan dung cho chúng con.” 

Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2 by aanhlle

Gói quà của người nhật: Noshi, Mizuhiki và Shugi-bukuro

Happy birthday, Ozu-san!