Thiên Môn - Tác giả: GiươngÔ

THIÊN MÔN
Tác giả: GiươngÔ
Chương 1: Tiên Du sơn mạch

Ở một thời điểm xa xưa.

Tại một vùng đất xuôi về phía nam, người ta nhìn thấy dị tượng lóe lên sâu trong một vùng đất hẻo lánh. Xung quanh nơi đó là những dãy núi trùng trùng điệp điệp, mây mù vờn đỉnh. Có người nói đó là long mạch ngàn năm khó tìm. Cũng có người quả quyết rằng phong thủy nơi đây là thế bách long triều bái, cực kỳ quý hiếm nhưng cũng hung hiểm vô cùng. Những người tò mò cũng không dám tiến vào trong tìm kiếm dị tượng. Cũng có những người mạnh dạn tiến vào trong thì qua một ngày đêm lại hồ đồ đi ra ngoài, miệng không ngừng kêu la thất thanh rằng có yêu ma quỷ quái. Lâu lâu lại còn có người nhìn thấy từ trong đó có bóng người bay ra ngoài, khiến cho thế gian thêu dệt nên bao chuyện kỳ quái. Người thì cho rằng có kỳ trân dị bảo xuất thế, khiến cho vùng đất này vốn đã ít người lui tới lại càng thêm yêu dị. Người thì bảo bóng người đó chính là tiên nhân trong truyền thuyết ngự kiếm phi hành ở trong núi, rằng đó chính là tiên sơn. Thời gian thấm thoắt trôi, thương hải tang điền, những câu chuyện kể như vậy sớm đã trở thành những truyền thuyết.

Lúc bấy giờ thế gian thái bình, vua thần trung chính, dân chúng được hưởng no ấm. Những câu truyện lúc trà dư tửu hậu của đám người trung niên xoay đi xoay lại, cuối cùng cũng trở về những truyền thuyết có liên quan đến tiên nhân.

***

Một con én nhỏ lướt xuống tầng mây. Điều đặc biệt là ở độ cuối xuân này, rất ít khi thấy bóng én nhỏ bay lượn, mà lại bay một mình. Khi én nhỏ hiện ra, trong con mắt nó xuất hiện bóng dáng một tòa thành trì cổ kính. Nếu tiến lại gần, có thể thấy trên những tảng đá to bề, được sắp xếp xen kẽ để dựng nên tường thành đã phủ đầy rêu phong, ngả sang màu xám đen tự bao giờ.

Thành này có tên gọi là thành Tiên Du. Đi về phía tây thành, chính là dãy sơn mạch xảy ra dị tượng mấy trăm năm về trước. Nơi đó hoang vu hẻo lánh nên cũng chả ai nghĩ đến việc đặt tên cho nó, cứ thế gọi theo tên thành trì gần nhất: Tiên Du sơn mạch. Đi về phía đông, chính là một con sông lớn nối liền với biển. Con sông này có điều lạ là, quanh năm suốt tháng cuồn cuộn một màu đỏ rực. Có người nói đó là phù sa ở dưới lòng sông cuộn lên, cũng có người bảo đấy chẳng phải là điềm lành, nhưng rút cục nguyên nhân đến từ đâu thì chẳng ai biết. Chỉ biết là sau dị tượng kia, nước sông đã biến thành màu như thế này. Người ta bèn sửa lại tên cho nó, gọi nó là Hồng Hà. Ngoài ra, trước đây tên của thành không phải là như vậy, mà là một cái tên khác, nghe khiêm tốn hơn: thành Phù Lãng. Chỉ đến sự kiện kia, sau một đêm dị tượng làm rúng động thế gian, tòa thành này ở gần nơi dị tượng xảy ra nhất được vua truyền dụ xuống, lấy tên gọi mới là thành Tiên Du. Ý nói nơi này chính là chốn tiên nhân qua lại, những mong tiên nhân bảo hộ cho nơi đây được no ấm, an lành. Cũng từ đó, hàng năm vua đều tiến hành tế bái trời đất tại đây.
Thời gian trôi qua, việc đổi tên cũng chẳng ảnh hưởng gì tới đời sống, sinh kế của người dân trong thành. Kẻ bán, người mua vẫn vào ra tấp nập. Mà cũng chưa bao giờ thấy bóng dáng tiên nhân xuất hiện, có chăng chỉ là lời đồn thôi, chuyện tầm phào. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn mỗi ngày trong thành cổ.

Ở tầng một của một khách điếm nhỏ cũ kỹ trong thành, có một đám người đang túm tụm lại xung quanh một lão giả có dáng người nhỏ bé. Thoạt nhìn, những nếp nhăn trên mặt lão đã che hết khuôn mặt. Lão giả mặc một bộ quần áo giặt tới mức trắng bệch nhưng cũng có phần gọn gàng. Lão giả đang say sưa nói chuyện gì đó. Tới chỗ nào đắc ý, lão vuốt vuốt chòm râu trắng, cả thân mình lão cũng rung lên, bộ dáng có phần đạo cốt tiên nhân. Trước mặt lão chỉ có một cái bàn, một bát rượu và một ngọn nến thắp sáng. Một cây gậy trúc dựa vào bên cạnh bàn.

Giữa lúc mọi người đang chăm chú nghe lão giả say sưa kể chuyện, bỗng nhiên nghe thấy tiếng đập bàn “uỳnh!” một cái rõ to. Có tiếng một người đàn ông nói:

 “Nói láo, đám người các ngươi lúc nào cũng bày đặt giả thần giả quỷ. Tiên nhân với đạo nhân này nọ. Tại sao cho tới giờ vẫn chưa có ai thấy được tiên nhân trong truyền thuyết ? Không có ai thấy tiên nhân hô phong hoán vũ ? Rõ ràng toàn đi đặt điều xằng bậy, lấy tiền của người khác.”

Thì ra, lão giả này là một người chuyên đi kể chuyện kiếm sống ở những tửu lâu, khách điếm. Loại nghề nghiệp này đã có từ lâu đời. Trước đây, chuyện của những người này thường xoay quanh những đề tài dân gian, mang màu sắc huyền bí được ghi trong Lĩnh Nam chích quái, Nam Phong thập lục hay U Linh tập. Cho tới mấy trăm năm trở lại đây, khi mà dị tượng ở vùng đất nọ khiến cho dân chúng khiếp sợ không nhỏ, thì câu chuyện của họ bắt đầu thêm thắt cả yếu tố tiên nhân, quỷ quái. Khi kể chuyện, có đôi khi người kể sẽ xướng ca một bài, có lúc có cả ngâm thơ, diễn kịch.

Lão giả nghe người đàn ông nói xong, trên mặt vẫn giữ vẻ thong dong, không có gì là khẩn trương. Trong đời, lão cũng đã gặp không ít lần như thế này rồi. Chỉ thấy lão vuốt vuột nhẹ chòm râu, càng tăng thêm mấy phần tiên phong đạo cốt, nói:

“Vị đại ca này, ngài chưa nhìn thấy tiên nhân không có nghĩa là tiên nhân không có. Cũng giống như ánh sáng từ ngọn nến này, khi ngài nhìn thấy nó không có nghĩa là bóng tối không tồn tại, nó chỉ chưa xuất hiện mà thôi.”

Nói rồi, lão giả phất tay áo, ngọn nến trên bàn trước mặt lão bỗng nhiên tắt phụt. Đám người xung quanh bắt đầu có tiếng bàn tàn xôn xao. Người thì cho rằng lời lão nói là thú vị, hơi đâu mà bắt bẻ, có kẻ lại bắt đầu hoài nghi, lại có người chỉ trỏ, ở một bên đứng hóng kịch vui.

Người đàn ông hơi có chút sững sờ, nhưng rất nhanh đã nói tiếp: “Nói như vậy, thì lão có bằng chứng gì chứng mình lời lão nói là sự thật ?”

Mọi người lại chú ý vào lão giả. Từ trước tới nay chuyện kể của những người như lão không nhuốm màu huyền bí thì cũng toàn chuyện yêu ma, quỷ quái. Nào có chuyện nào có bằng chứng rõ rõ ràng ràng. Nếu không thì người ta cũng chẳng hiếu kỳ, tò mò muốn nghe lão kể chuyện. Chỉ nghe lão giả hờ hững đáp:

“Vị đại ca này nói như vậy thật làm khó lão. Nhưng nói cho ngươi nghe một chuyện, khoảng chục năm trước đây ta đã từng gặp tiên nhân.”

Mặt trời đã ngả về tây. Hoàng hôn bắt đầu phủ xuống khắp tòa thành. Tiết trời cuối xuân bắt đầu có dấu hiệu nóng nực. Các quán nước ven đường thành rất đông người qua lại, chuyện trò sôi nổi. Ở trong gian khách điếm nọ, cơ hồ lại là một bầu không khí yên tỉnh quỷ dị.

Khi nghe lão giả nói xong, tiếng xôn xao bàn tán trong khách điếm bỗng nhiên im bặt. Tất cả mọi người đều hướng sự chú ý vào lão giả, kể cả người đàn ông trung niên nọ.

Lão giả nói tiếp: “Cơ duyên như thế nào thì ta không tiện nói ra, nhưng vị tiên nhân đó có nói với ta một chuyện vô cùng quan trọng.”

Đám đông lập tức nhao nhao nói: “Mau kể, lão mau kể đi.”

Lão giả có chút đắc ý, tiếp lời: “Vị tiên nhân ấy có nói với ta, bây giờ thế đạo thái bình nhưng sắp tới, sắp tới sắp sửa có đại họa giáng xuống. Thế gian ngập chìm trong biển máu, thiên hạ đại loạn.”

Yên tĩnh.

Tiết trời nóng khiến cho mồ hôi chảy dọc sống lưng đám người trong khách điếm, lại có chút lành lạnh. Sau đó, một hồi bàn tán xì xào lại nổi lên. Người đàn ông nọ sau khi mím môi lại một lúc, mới lên tiếng: “Lời lão nói thật quá hồ đồ. Nếu như lời là thật, tại sao chục năm sau, lại chẳng có chuyện gì xảy ra. Hơn nữa, từ nãy tới giờ lão chẳng có chứng cớ gì, toàn là nói xuông. Ta nói, lão phải cẩn thận với lời nói của mình, họa từ miệng mà ra đấy.”

Lão giả vẫn ung dung, không có vẻ gì là khó chịu, thiếu kiên nhẫn. Lão hành nghề đã mấy chục năm, lời nói khó nghe đã nghe không biết bao nhiêu lần. Lời nói vừa rồi của lão, dù có đến tai quan quân, cũng chỉ là chuyện tầm phào. Có ai thừa hơi sức để đi đối phó với một bộ xương khô. Chỉ nghe lão nói tiếp:

“Vị đại ca, quả thật là ta không có bằng chứng để chứng minh câu chuyện này. Nhưng nói thế nào thì nói, thì thần thông của tiên nhân đâu thể để đám thường nhân chúng ta nắm được chút manh mối ? Chỉ nhớ năm xưa, lúc vị tiên nhân ấy đến, đã đại triển thần thông cứu giúp cháu ta. Sau đó liền rời đi. Khoảnh khắc ấy đã khiến ta không thể nào quên được, ghi tạc trong tâm trí.”

Đám người trong quán từ sững sờ tới tò mò. Ngày càng xích gần lại về phía lão giả để nghe cho rõ thần thông của tiên nhân. Mặt trời đã khuất sau khóm tre già. Chỉ thấy trong gian khách điếm có tiếng ngâm thơ văng vẳng:

Người có nghe:
Hồng Hà cuộn sóng ầm ầm chảy.
Mông mênh tiếc nuối
Sông nước ngậm ngùi.      
Vần xoay con Tạo.

Một lẽ biến thông.
Đầy vơi Trời Đất
Trong chén rượu nồng.

Ứ... ơ...
Thời gian trôi, cũng về không
Hồng trần sắc sắc không không mịt mù
Thôi đành ngày tháng dong chơi.
Say ôm gối ngủ, một đời thong dong.
Lâng lâng với chén rượu nồng.
Mặc hồn ta với mênh mông đất trời...
...

***

Tiếng trống thu không vang vọng khắp nơi, báo hiệu một ngày nữa lại sắp kết thúc trong thôn nhỏ. Thôn này có tên gọi là thôn Kim Sơn, là một thôn nằm sát với thành Tiên Du. Cả thôn đều chỉ có một nghề chung là dệt cói. Hằng ngày, những thôn dân ở đây dùng những con lừa thồ những sản phẩm làm từ cói mang vào thành đổi lấy ngân lượng, hàng hóa. Cuộc sống cứ thế trôi qua.

Bởi vì làm nghề dệt cói, nên quanh thôn có một phần lớn diện tích người ta dùng để trồng cói. Bấy giờ đang độ cói trổ bông. Chỉ thấy dọc theo hai bên bờ ruộng là những bó cói được xếp ngay ngắn, thẳng tắp. Ruộng cói được thu hoạch giờ chỉ còn trơ lại gốc, đã bắt đầu ngả sang màu vàng ruộm.

Trên một bãi ruộng cói, có một đám trẻ khoảng chín, mười tuổi đang tụ tập. Đứa ngồi xổm, đứa ngồi hẳn trên mặt ruộng đang chăm chú nhìn vào một cái lỗ đất trước mặt. Một đứa trong đám trẻ cầm cái quạt mo, ra sức quạt quạt một bó rơm cói đang cháy được huơ huơ trước cái lỗ đất.

“Tiểu Hoàng, mày quạt tới bao giờ thì đám chuột kia mới chịu chạy ra. Tao thấy mày quạt cả buổi rồi mà chẳng thấy động tĩnh gì” – Một đứa trẻ khác, trông có vẻ lớn nhất trong đám, lên tiếng nói.

“Cứ phải từ từ, giống chuột này khôn lắm. Phải lúc nào sắp ngạt chết thì nó mới chịu chạy ra.” Đứa nhỏ được gọi là Tiểu Hoàng không nhanh không chậm đáp lời. Nó mím chặt môi lại, dùng cả hai tay cầm cái quạt mo to hơn cả cái đầu mình tiếp tục ra sức quạt.

Mấy đứa trẻ còn lại thấy thế thì cũng không dám giục nữa. Chỉ chăm chú giương mắt nhìn. Đứa nào đứa nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Mặt mũi bị khói bốc lên làm cho đen nhẻm. Đứa nhỏ lớn nhất vừa rồi lên tiếng bỗng đưa mắt nhìn ra khoảng ruộng phía xa xa, hét lên:

“Tiểu Cẩu Tử, ngươi chú ý vào một chút cho ta. Chuột sắp phải chui ra ngoài rồi!”

Hóa ra ở phía xa xa còn có một đứa trẻ khác, chỉ có một mình nó đang thẫn thờ, điệu bộ kỳ quái. Đứa nhỏ để ba chỏm tóc. Cả thân hình bé nhỏ đang ra sức đè lên một cái lồng làm bằng tre to hơn cả người. Trên lưng nó ướt đẫm mồ hôi, hẵn là đã phải nằm sắp xuống chặn cái lồng này không ít thời gian. Khuôn mặt nó đỏ ửng vì nóng, vì cái tư thế của nó khiến máu dồn lên đầu. Bộ dáng thập phần chật vật nhưng khuôn mặt vẫn tỏ ra kiên cường.

Đứa lớn kia nói xong, thu lại ánh mắt quay mặt lại nhìn về phía hai đứa trẻ bên cạnh, nói: “Hai đứa chúng mày chạy sang phía bên kia giúp thằng Cẩu Tử chặn cái lồng lại. Nếu chỉ có một mình nó thì sợ là để chuột chạy mất.”

Mấy đứa trẻ này đang hun khói bắt chuột đồng. Chuột đồng thường làm tổ dưới ruộng. Loại chuột này rất khôn ngoan. Thường thường chúng sẽ đào bốn năm cái lối thoái xung quanh tổ để khi có động thì luôn luôn có một lối thoát hiểm mà chui ra ngoài. Mấy đứa trẻ kia mất cả buổi chiều để tìm và bít hết mấy cái lỗ thoát ra ngoài của chuột. Chỉ để lại một cái lỗ để hun khói và lỗ kia cho chuột thoát ra.

Nét mặt hai đứa nhỏ bị sai hiện lên vẻ không tình nguyện. Nói đến việc chạy ra kia giữa cái lồng thì quả là một việc tẻ nhạt vô cùng, lại tốn sức. Đứa nhỏ Cẩu Tử hiền lành bị bắt ở lại chặn cái lồng úp lên lối thoát duy nhất của chuột đồng cả buổi. Còn mấy đứa trẻ kia túm tụm ở cái lối thoát còn lại, thích thú nhìn cảnh hun khói bắt chuột. Hai đứa nhỏ vừa đứng lên đang định chạy về phía bên kia thì bỗng nghe thấy tiếng Cẩu Tử hét to:

“Ra rồi, ra rồi, chuột chạy ra rồi!”

Mấy đứa nhỏ kia nghe thấy thế, đứa nào đứa nấy khuôn mặt hớn hở, bật dậy chạy về phía Cẩu Tử.

Phía bên kia, khuôn mặt non nớt ửng hồng cũng đang kích động vô cùng. Con chuột đồng chạy ra, xô mạnh vào cái lồng tre. Nó xô mấy lần, mỗi lần đều rất mạnh làm toàn thân Câu Tử đè phía trên cũng lắc lư theo. Nét mặt Cẩu Tử hiện lên chút hoảng sợ nhưng vẫn kiên quyết ôm chặt lấy cái lồng, quyết không để cho con chuột phá lồng mà ra. Trong lúc Cẩu Tử đang nghiến răng nghiến lợi giữ chặt cái lồng thì bỗng nhiên nghe thấy một tiếng “chi...chi” vẳng vẳng vào tai. Cẩu Tử vô thức nhìn vào trong cái lồng tre. Chỉ thấy một con chuột to gấp đôi chuột đồng bình thường đang lặng lẽ nhìn nó. Toàn thân con chuột đen nhánh. Nhưng nếu nhìn kỹ sẽ phát hiện ra có một vài sợi lông bạc quanh mắt chuột. Con chuột cứ thế nhìn chằm chằm vào mắt Cẩu Tử. Bỗng nhiên từ sâu trong đồng tử chuột có một tia sáng yêu dị lóe lên. Con ngươi Cẩu Tử bỗng nhiên co rúm lại. Cả người nó bỗng nhiên bật khỏi lồng tre, lăn đùng về phía sau.

Mấy đứa trẻ hồi nãy còn đang chạy về phía Cẩu Tử, khuôn mặt hớn hở vui mừng thì bỗng nhiên ngây ra. Chúng nó nhìn thấy Cẩu Tử không hiểu vì sao lại bỏ cái lồng ra mà ngã ngửa về phía sau. Tất cả mọi chuyện xảy ra chỉ trong chớp mắt. Ngay khi Cẩu Tử ngả ngửa về phía sau thì con chuột đồng cũng xô bật được cái lồng, chạy ra ngoài. Theo sau nó có cả mấy con chuột con. Đàn chuột do con chuột đồng kia cầm đầu chạy mất dạng vào trong mấy ruộng cói còn chưa thu hoạch.

Mặt trời lúc này cũng đả ngả về phía chân trời. Ánh hoàng hôn đỏ rực chiếu xuống cánh đồng làm cho mấy gốc cói đả ngả vàng có chút gì đó rực rỡ. Mấy đứa nhỏ kia đã chạy tới bên cạnh Cẩu Tử. Khuôn mặt từ kinh ngạc lúc này đã biến thành giận dữ. Một đứa nhỏ nói:

“Ngươi, cái đứa chết bầm này. Làm việc gì cũng không ra hồn. Tại sao mắt ta thấy ngươi đã chặn được con chuột đồng kia rồi mà lại để nó chạy mất.”

“Ừ đúng đấy, sao tự nhiên lại buông tay ra.”

“Đúng là thằng vô tích sự”

Một hồi mắng nhiếc không ngừng vang lên. Cẩu Tử vẫn giữ nguyên tư thế ngả ngửa ra, trong mắt nó có chút vô hồn. Thế rồi không biết đứa trẻ nào bắt đầu đá vào người Cẩu Tử, mấy đứa trẻ khác cũng bắt đầu lấy chân đạp, chân đá lên người nó.

“Cho mày chết!”

“Chết đi!”

“Thằng vô dụng!”

Cẩu Tử trong vô thức chỉ biết ôm lấy cái đầu, mặc cho đám trẻ kia đá tới túi bụi. Cả người nó co lại như con tôm. Khuôn mặt đã bắt đầu hiện lên vẻ đau đớn. Hai hàng nước mắt bắt đầu chảy ra.

“Tất cả các ngươi, mau dừng tay lại!”


         

         







Nhận xét

Có thể bạn quan tâm

Mindmap tổng hợp ngữ pháp N2 by aanhlle

Gói quà của người nhật: Noshi, Mizuhiki và Shugi-bukuro

Happy birthday, Ozu-san!